Khám Phá Văn Hóa Sử Dụng Đũa Của Người Nhật
Không chỉ đơn thuần là dụng cụ ăn uống, đôi đũa còn có ý nghĩa vô cùng sâu sắc trong văn hóa và lịch sử Nhật Bản. Cùng khám phá văn hóa sử dụng đũa của người Nhật trong bài viết dưới đây.
Đôi đũa trong dòng chảy lịch sử Nhật Bản
Trong khoảng thời kỳ Asuka (538 - 710) và Nara (710 - 794), Phật giáo du nhập từ Trung Quốc và phát triển cực thịnh tại Nhật Bản nhờ những hoạt động giao lưu văn hóa vô cùng tích cực giữa hai nước. Vào năm 607, Ono Imoko - một sứ giả được Nhật Bản phái sang nhà Tùy đã mang về một bộ dụng cụ bao gồm đũa và muỗng, truyền đạt lại văn hóa ẩm thực của nước bạn.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
Bên cạnh đó, từ việc Hoàng tử Shotoku tiên phong sử dụng đũa trong bữa ăn triều đình, văn hóa sử dụng đũa dần lan tỏa đến dân gian, và trở thành thói quen không thể thiếu trong bữa ăn của người Nhật.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
Tuy nhiên, có một giả thuyết khác về văn hóa sử dụng đũa của người Nhật từ rất lâu, trước cả việc đi sứ nhà Tùy. Tương truyền vào thời kỳ Yayoi (IV TCN - III), khi nữ hoàng Himiko cai trị đất nước Yamatai - vương quốc cổ đại Nhật Bản, bà có quyền lực rất lớn trong việc thực hiện các nghi lễ về mặt tôn giáo. Trong khi việc bốc thức ăn bằng tay là điều không hề lạ lẫm đối với người dân, bà đã cho sử dụng đũa để tiến hành nghi lễ và dâng thức ăn lên cho các vị thần. Đây là trường hợp đầu tiên người Nhật sử dụng đũa để gắp thức ăn được ghi chép lại trong lịch sử.
Văn hóa tặng đũa độc đáo của người Nhật
Ngày xưa, khi tặng quà cho nhau, người Nhật thường nghĩ đến những thứ hữu ích mà người nhận có thể sử dụng ngay trong cuộc sống. Dĩ nhiên, lúc bấy giờ thực phẩm chưa có những phương pháp bảo quản dài lâu như hiện tại, không thể mang theo trên đường sá xa xôi làm quà cáp. Thay vào đó, người ta sử dụng đôi đũa - dụng cụ ăn uống không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật - làm quà tặng, và văn hóa tốt đẹp này vẫn kéo dài cho đến tận bây giờ.
Hộp đũa quà tặng.
Trong tiếng Nhật, đôi đũa là “hashi”, đưa cho tặng cho gọi là “watashi”, và cụm từ “đưa/tặng đũa” đồng âm với từ “hashi-watashi”, có nghĩa là “cầu nối, sự kết nối”. Do đó, việc dùng đôi đũa làm quà tặng mang ý nghĩa cầu mong cho mối quan hệ thêm chặt chẽ, gần gũi. Vì lý do này, các cặp vợ chồng son Nhật Bản cũng thường xuyên nhận được quà cưới là những cặp đũa đắt tiền, quý giá.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
Ngoài ra, bởi đôi đũa luôn luôn có mặt trong mọi bữa ăn, chúng cũng là biểu tượng cho cuộc sống ấm no, đủ đầy, không phải lo lắng về đồ ăn thức uống. Vào các dịp đặc biệt như năm mới, tân gia, hay thậm chí là sinh nhật, đôi đũa được sử dụng làm quà tặng nhằm truyền tải lời cầu chúc ấm áp và ý nghĩa như vậy.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
Tùy từng vùng miền mà ý nghĩa, cách lựa chọn đũa làm quà tặng có sự khác biệt, nhưng tựu chung, văn hóa tặng đũa đã trở thành tiềm thức in sâu vào tâm trí mỗi người dân Nhật Bản.
Những quy tắc sử dụng đũa của người Nhật
Tương đồng với Việt Nam chúng ta, người Nhật cũng có nhiều quy tắc nghiêm ngặt về cách sử dụng đũa. Việc tuân thủ những quy tắc này thể hiện sự tôn trọng văn hóa, phép lịch sự và sự tinh tế trong ăn uống.
- Không cắm đũa vào bát cơm: Cắm đũa thẳng đứng vào bát cơm chỉ diễn ra trong các nghi lễ tang lễ ở Nhật Bản, khi dâng cơm cho người đã khuất. Vì vậy, việc làm này trong bữa ăn bị coi là cực kỳ cấm kỵ và thiếu tôn trọng.
- Không chuyển thức ăn từ đũa này sang đũa khác: Hành động này gợi nhớ đến nghi thức tang lễ, khi tro cốt của người quá cố được chuyển bằng đũa từ người này sang người khác. Do đó, bạn không nên đưa thức ăn từ đũa của mình sang đũa của người khác.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
- Không dùng đũa để chỉ: Chỉ bằng đũa vào người khác hoặc đồ vật bị coi là bất lịch sự và thô lỗ. Khi muốn nhấn mạnh điều gì, hãy dùng tay hoặc lời nói, thay vì dùng đũa để chỉ.
- Không ngoáy đũa trong bát: Hành động dùng đũa để ngoáy, trộn hoặc tìm thức ăn trong bát bị coi là thiếu lịch sự. Bạn nên lấy thức ăn một cách nhẹ nhàng và không làm lộn xộn trong bát.
- Không liếm đũa: Dùng lưỡi liếm hoặc mút đũa để lấy thức ăn hoặc liếm khi đũa có thức ăn dính vào bị coi là mất vệ sinh và thiếu lịch sự.
- Không dùng đũa để xiên thức ăn: Xiên thức ăn bằng đũa giống như cách dùng nĩa là không đúng cách. Đũa được thiết kế để gắp, không phải để xiên thức ăn.
- Không chuyển đũa qua lại giữa hai tay: Trong bữa ăn, không nên chuyển đũa qua lại giữa tay trái và tay phải. Chúng ta cần cầm đũa bằng một tay duy nhất (thường là tay phải) trong suốt bữa ăn.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
- Không đặt đũa lên bát khi chưa ăn xong: Đặt đũa ngang qua miệng bát khi chưa ăn xong bị coi là thiếu lịch sự. Nếu muốn nghỉ ngơi giữa bữa, hãy đặt đũa lên giá đũa hoặc để đũa gọn gàng bên cạnh đĩa hoặc bát.
- Không dùng đũa của mình để lấy thức ăn từ đĩa chung: Khi muốn lấy thức ăn từ đĩa chung, bạn nên dùng đũa phục vụ hoặc lật ngược đũa của mình (phần không tiếp xúc với miệng) để lấy thức ăn. Dùng đũa đã tiếp xúc với miệng để lấy đồ ăn từ đĩa chung bị coi là không vệ sinh.
- Không xoa đũa vào nhau: Xoa đũa vào nhau để làm mịn hoặc để loại bỏ mảnh vụn từ đũa gỗ bị coi là không lịch sự, vì hành động này ám chỉ rằng đũa không tốt hoặc không chất lượng.
Văn hóa sử dụng đũa của người Nhật.
- Không gõ đũa vào bát: Dùng đũa để gõ vào bát hoặc đĩa tạo ra tiếng ồn bị coi là thô lỗ. Nói chung, nên tránh tạo ra tiếng động không cần thiết trong bữa ăn.
- Không dùng đũa để di chuyển bát: Không nên dùng đũa để kéo, di chuyển bát hoặc đĩa trên bàn. Thay vào đó, hãy dùng tay để thực hiện hành động này.
Mong rằng qua bài viết này, chúng ta sẽ khám phá thêm được nhiều điều thú vị đằng sau đôi đũa tưởng chừng như vô cùng bình thường trong văn hóa Nhật Bản.