Thưởng Thức Tinh Hoa Từ Văn Hóa Trà Đạo Nhật Bản
Được xem là một trong ba nghệ thuật cổ điển thuộc tinh hoa người Nhật, văn hóa trà đạo Nhật Bản không chỉ đơn thuần là uống trà, mà còn ẩn chứa ý nghĩa Thiền định sâu sắc và nét đẹp đức hạnh từ tấm lòng hiếu khách của người dân nơi đây.
Đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa trà đạo Nhật Bản
Là một trường phái thưởng trà khác biệt mang đậm phong cách và triết lý riêng của đất nước mặt trời mọc, thế nhưng thật ra văn hóa trà đạo Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc - nơi có lịch sử hơn 4000 năm uống và thưởng trà. Vào năm 815, các nhà sư Nhật Bản đi du học tại triều Tống ở Trung Quốc trở về, đặc biệt chuẩn bị sencha cho Thiên hoàng Saga. Sau khi uống xong, Thiên hoàng trở nên thích thú với điều mới mẻ này, và ra lệnh trồng các đồn điền trà tại vùng Kinki ở phía tây Nhật Bản. Đây chính là sự kiện khiến trà bắt đầu được đặt nền móng cho sự lan tỏa mãnh liệt tại quốc đảo hoa anh đào sau này.
Văn hóa trà đạo Nhật Bản.
Một trong những nhân vật có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển trà đạo là nhà sư Eisai, người đã mang cây trà từ Trung Quốc về Nhật Bản vào những năm cuối thời kỳ Kamakura (1185–1333). Đến thế kỷ XVI, nhà sư Sen no Rikyu - được mệnh danh là Đệ nhất Trà sư, đã định hình và phát triển nghệ thuật trà đạo theo hướng giản dị và mang tính triết lý sâu sắc hơn. Ông nhấn mạnh các nguyên tắc Hòa - Kính - Thanh - Tịch (nghĩa đen là hòa hợp, tôn kính, thanh tịnh và tĩnh lặng) trong trà đạo, phản ánh tinh thần Thiền tông Phật giáo chính thống của Nhật Bản.
Văn hóa trà đạo Nhật Bản.
Nói một cách đơn giản, trà đạo có nghĩa là “lối uống trà” hay “cách uống trà”, được nâng tầm từ phong tục chuẩn bị đồ uống cho khách thành một nét nghệ thuật cổ điển được cả thế giới biết đến và ngưỡng mộ. Không chỉ đơn thuần là việc thưởng thức trà, trà đạo Nhật Bản còn là một nghi thức mang tính triết học, tôn vinh sự tĩnh lặng, sự tối giản và hòa hợp với thiên nhiên. Đồng thời, bởi bản chất trà đạo là một trong những yếu tố của văn hóa Omotenashi (tiếp đãi, chăm sóc khách từ tận trái tim), cho nên văn hóa này cũng phản ánh tinh thần hiếu khách, tận tâm và tận tình đến từng chi tiết nhỏ của người Nhật Bản.
Các dụng cụ trong một buổi thưởng trà
Đối với trà cụ nói chung, hầu hết các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam hay Anh Quốc đều có những vật dụng cơ bản có tính chất tương đồng như ấm trà, tách trà, thìa khuấy... Thế nhưng trong văn hóa trà đạo Nhật Bản, các trà sư dùng những vật dụng hoàn toàn khác biệt!
Chawan - chén trà.
Đây là dụng cụ chính để đựng trà. Chawan có nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau tùy theo từng mùa, ví dụ như mùa xuân sẽ có họa tiết hoa anh đào, mùa thu sẽ có họa tiết lá phong,... hoặc theo sở thích của chủ nhân buổi thưởng trà.
Chasen - Chổi khuấy trà.
Chasen được làm từ tre, dùng để khuấy bột trà xanh (matcha) trong nước nóng, giúp trà hòa tan và tạo bọt mịn trên bề mặt trà.
Chashaku - Muỗng múc trà.
Đây là một loại muỗng có bề mặt nhỏ, thường được làm từ tre, dùng để múc bột matcha từ hộp đựng trà đưa vào chén trà.
Natsume hoặc - Hộp đựng trà
Natsume là hộp đựng trà nhỏ, thường dùng trong các buổi trà không trang trọng, được làm từ gỗ sơn mài hoặc tre. Ngược lại, hộp đựng trà lớn hơn được gọi là Chaire, được làm bằng gốm hoặc đất nung, thường được dùng trong các buổi trà trang trọng.
Kama - Ấm đun nước.
Đây là một loại ấm đun lớn, thường được đặt trên một lò than nhỏ, dùng để đun nước nóng cho buổi thưởng trà.
Hishaku - Gáo múc nước
Hishaku được dùng để múc nước nóng từ ấm đun nước rồi đổ vào chén trà.
Fukusa - Khăn lụa.
Là một miếng vải lụa nhỏ được dùng để lau sạch muỗng trà và hộp đựng trà. Khăn lụa cũng có thể được sử dụng như một phần của nghi thức biểu diễn văn hóa trà đạo Nhật Bản.
Ngoài những trà cụ cơ bản kể trên, trong một buổi thưởng trà truyền thống Nhật Bản có thể còn nhiều vật dụng khác, tùy theo quy mô và thời gian tổ chức.
Một buổi thưởng trà diễn ra như thế nào?
Thông thường, nghi thức pha trà và thưởng trà sẽ diễn ra tại trà thất - nơi có thiết kế dành riêng cho hoạt động này. Các trà thất, hiểu nghĩa đen là phòng trà thường được lát chiếu tatami, thiết kế với hốc tường, bếp lò; trà cụ được đặt ở khu vực trung tâm. Trong phòng trà, cửa sổ được làm bằng giấy, tạo cảm giác hài hòa với thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Trên tường thường treo các bức tranh phong cảnh hoặc tranh chữ thư pháp, cạnh đó là lọ hoa được cắm theo mùa.
Trà thất.
Khi bước vào phòng trà, các vị khách bỏ giày dép ra bên ngoài, không phát ra tiếng ồn, không nói chuyện lớn tiếng. Tiếp theo mọi người sẽ được hướng dẫn đến phòng rửa mặt và súc miệng trước khi thưởng thức trà. Đồng thời, họ cũng sẽ đưa ra một số lời bình cho bức tranh treo ở hốc tường và bình hoa theo mùa cùng vị trí. Ngay khi các vị khách yên vị trong tư thế quỳ seiza, trà sư bắt đầu làm nóng các trà cụ bằng nước sôi, rồi lau chùi theo thứ tự để bắt đầu nghi thức.
Văn hóa trà đạo Nhật Bản.
Công đoạn pha trà trải qua ba giai đoạn, trà sư sẽ rót lượt trà cuối cùng vào chén trà và trao cho vị khách đầu tiên và cũng là vị khách có địa vị quan trọng nhất. Người nhận sẽ nâng chén trà lên để tỏ ý tôn trọng, rồi xoay chén hai lần theo chiều kim đồng hồ trên tay trái để tránh đặt miệng từ phía trước, chậm rãi uống trà, sau đó chuyền chén cho vị khách tiếp theo. Vị này sẽ lặp lại quy trình và xoay vòng cho đến mọi vị khách trong trà thất đều đã thưởng trà.
Mỗi trường phái văn hóa trà đạo Nhật Bản sẽ có những quy tắc thưởng trà khác nhau, thế nhưng chúng đều có điểm chung là vô cùng tinh tế, giúp cho tâm hồn tĩnh lặng, an yên, tương tự như một phương pháp thiền, giúp khách thưởng trà hòa mình với tự nhiên, với những vạn vật xung quanh.