Sự khai sinh của công ty “Morimura Gumi” và công ty “Anh em nhà Morimura”

Ngài Ichizaemon Morimura năm 1863

Ichizaemon Morimura: Nhà sáng lập của Noritake - ngài Ichizaemon Morimura sinh năm 1839 tại khu phố sầm uất Kyobashi thuộc thành phố Edo (nay là thủ đô Tokyo). Ông là con trai cả của một nhà buôn áo giáp. Ông sinh ra khi chế độ Mạc phủ Tokugawa đang suy yếu và dần đi đến sụp đổ, khởi đầu cho một loạt các thay đổi lớn của thời đại.
 
Là người kế nghiệp công việc kinh doanh của gia đình, Ichizaemon bắt đầu sự nghiệp buôn bán với hai mặt hàng chính là áo giáp và túi xách. Khi cảng Yokohama chính thức mở cửa vào năm 1859, ông đã bắt đầu tham gia ngoại thương khi mới 20 tuổi, khởi đầu với việc mua các đồ cổ nhập khẩu (karamono) và bán chúng cho các samurai phục vụ dưới thời của Mạc phủ Tokugawa (Hatamoto) và dinh thự của các gia tộc ở Tokugawa. Khát vọng kinh doanh trong ông cứ thế lớn dần. Là một người luôn tò mò và chủ động lĩnh hội các nền văn hóa mới, ông đã dành sự quan tâm đặc biệt cho mua bán ngoại thương từ trước thời kỳ Minh Trị Duy tân.
 
Ichizaemon càng củng cố khát vọng đó sau cuộc gặp gỡ với một người đặc biệt: Fukuzawa Yukichi, nhà sáng lập của một ngôi trường Hà Lan và là một trong những nhà tư tưởng lớn nhất của Nhật Bản cận đại. Là một người quan tâm đến dòng chảy của vàng khỏi Nhật Bản do tỷ giá hối đoái quốc tế gây bất lợi cho Nhật Bản vào thời điểm đó, ông Ichizaemon tin rằng "không có cách nào khác ngoài ngoại thương có thể giúp phục hồi dòng chảy của vàng." Theo lời khuyên của Fukuzawa, ông Ichizaemon đã quyết tâm từ bỏ những đam mê cá nhân của mình và tham gia vào hoạt động ngoại thương để đưa Nhật Bản trở thành một quốc gia thịnh vượng.

Ngài Ichizaemon Morimura năm 1863

Bức ảnh được chụp năm 1876 trước khi Yutaka đến Hoa Kỳ (từ trái qua: Ichizaemon Morimura, cha ông và Yutaka Morimura)

 
Yutaka Morimura: Ông Ichizaemon có một người em cùng cha khác mẹ kém ông 15 tuổi tên là Yutaka. Năm đó, khi Nhật Bản dỡ bỏ chế độ bế quan tỏa cảng, Ichizaemon đã tâm sự rất nhiều với em trai về ước mơ thương mại thầm kín của mình. Yutaka đồng cảm với ước mơ của anh nên đã tự nguyện tập trung học tiếng Anh để phục vụ cho việc giao thương với Hidenosuke, em trai của Fukuzawa, và đăng ký vào Đại học Keio do Fukuzawa mở. Sau khi tốt nghiệp, Yutaka cũng đam mê việc kinh doanh và đã có một khoảng thời gian giảng dạy tại Đại học Keio.
 
Vào năm 1876, ông Ichizaemon đã đưa ra một quyết định lớn, đó là gửi em trai Yutaka đến Mỹ. Cũng trong năm này, Ichizaemon đã dồn toàn bộ số vốn hiện có để thành lập công ty thương mại xuất khẩu "Morimura-gumi" ở quận Ginza, Tokyo. Tất cả các thương nhân tại thời điểm đó đều nhận sự hỗ trợ của chính phủ với nhiều ưu đãi như không phải trả lãi suất, nhưng riêng Ichizaemon đã thẳng thừng từ chối sự trợ giúp này. Đối với Ichizaemon, "tự kinh doanh độc lập" là chính sách quản lý cơ bản. Ông có một niềm tin mạnh mẽ rằng tự mình vượt qua những khó khăn sẽ là động lực cho sự phát triển bền vững của công ty. Yutaka đến Mỹ và mở một cửa hàng tổng hợp nhỏ với tên gọi "Hinode Shokai" trên Đại lộ số 6 ở New York vào tháng 11 cùng năm. Đây chính là khởi đầu cho các hoạt động thương mại khu vực tư nhân đầu tiên giữa Nhật Bản và Mỹ, đồng thời là bước tiến nhỏ đưa Noritake đến với con đường biến ước mơ lớn của mình thành hiện thực.
 

Tờ rơi thông báo về việc di dời cửa hàng của "Anh em nhà Morimura" năm 1902

Công ty “Anh em nhà Morimura”: Hai anh em nhà Morimura sau đó đã quyết định thuê hai nhân viên bán hàng người Nhật Bản và đổi tên cửa hàng "Hinode Shokai" thành công ty "Anh em nhà Morimura" để mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh của mình. Năm 1879, Yasushi Murai từ Đại học Keio gia nhập công ty theo sự giới thiệu của Fukuzawa. Thời điểm mới gia nhập công ty, Murai không nói được tiếng Anh, nhưng ông có niềm đam mê và ý thức kinh doanh rất lớn. Ngày tháng trôi qua, Yukata càng dành nhiều sự tin tưởng cho Murai và Murai đã nhanh chóng trở thành một nhân tố quan trọng của công ty. Nhờ những đóng góp của Murai, công ty "Anh em nhà Morimura" ngày càng phát triển bền vững.
 
Tới một ngày, Murai đưa ra ý kiến cần phải đẩy mạnh bán buôn để đảm bảo tương lai của công ty trong khi Yutaka thì lại cương quyết với việc tiếp tục hoạt động kinh doanh bán lẻ. Do cả hai không thể thống nhất với nhau trong một vấn đề quan trọng liên quan đến tương lai của cả hai công ty "Anh em nhà Morimura" và "Morimura-gumi", Yutaka đã tôn trọng quan điểm của Murai và hỏi xin ý kiến quyết định từ anh trai mình là Ichizaemon. Và kết quả là công ty "Anh em nhà Morimura" đã chuyển sang tập trung vào hoạt động bán buôn. Quyết định thay đổi chiến lược này là nhờ vào sự quảng đại của Yutaka và tài năng kinh doanh của Murai. Nhờ bước chuyển này, công ty "Anh em nhà Morimura" đã phát triển nhanh đến mức phải liên tục di dời trụ sở công ty do quy mô tăng.

Tờ rơi thông báo về việc di dời cửa hàng của "Anh em nhà Morimura" năm 1902

 

Xem tiếp:  Chương II: Thời đại của vật phẩm