Thời đại của vật phẩm

Thay đổi họa tiết theo phong cách phương Tây

Magobei Okura

Magobei Okura: Cùng khoảng thời gian cửa hàng "Hinode Shokai" bắt đầu hoạt động kinh doanh ở New York, em rể của Ichizaemon là Magobei Okura, người đồng cảm với khát vọng kinh doanh của ông, cũng bắt đầu tham gia vào công ty "Morimura-gumi" ở Nhật Bản. Magobei có năng lực thẩm mỹ thực sự đặc biệt, một phần do công việc kinh doanh của gia đình ông là một cửa hàng sách tranh. Và tài năng của ông đã sớm nở rộ tại công ty "Morimura-gumi" với khởi đầu là sản xuất đồ gốm sứ.
 
Mặt khác, công ty "Anh em nhà Morimura" sau khi được chuyển đổi sang hình thức kinh doanh bán buôn đã mở rộng quy mô qua từng năm và phát triển thành một trong những công ty thương mại lớn mạnh nhất Nhật Bản vào thời điểm đó. Công ty bắt đầu nghiên cứu phát triển các sản phẩm dựa trên kế hoạch của riêng mình, và kể từ khoảng thời gian này, những đồ trang trí như bình hoa, đĩa và lọ được gọi chung là vật phẩm đã dần trở thành các sản phẩm trọng tâm của công ty. Magobei đã trực tiếp tham gia vào khâu sản xuất các sản phẩm được đặt hàng từ New York đồng thời chốt được các hợp đồng độc quyền với các xưởng sơn như Tokyo, Kyoto và Nagoya.
 

Magobei Okura

Các sản phẩm của nhà máy với những họa tiết độc quyền vào cuối những năm 1880

Chiếc đĩa sơn màu họa tiết hoa hồng Kinmori Rose thời kỳ 1884-1890

Thời kỳ 1884-1890: Năm 1893, một sự kiện đã tạo ra bước ngoặt lớn cho thiết kế của các họa tiết trên sản phẩm của công ty "Anh em nhà Morimura". Trong chuyến thăm quan Hội chợ Thế giới Chicago tại Hoa Kỳ, Magobei đã được chiêm ngưỡng đồ gốm từ các nước phát triển ở Châu Âu và Hoa Kỳ, và ông đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của những họa tiết theo phong cách phương Tây. Ngay khi đó, ông nhận thấy cần phải thay đổi các họa tiết theo phong cách của phương Tây để phù hợp với thị hiếu của người Mỹ, từ đó mới có thể đưa các sản phẩm tiến xa hơn ở thị trường này. Magobei ngay lập tức mua một bộ họa cụ độc đáo bao gồm tranh mẫu theo phong cách phương Tây, sơn màu, cọ vẽ, mang về Nhật Bản và bắt đầu thuyết phục các nghệ nhân.
 

 

Bình hoa trang trí họa tiết hoa hồng năm 1911

Họa tiết năm 1911: Ban đầu các nghệ nhân lâu năm đều ngại ngùng lắc đầu và không muốn thử vẽ tranh theo phong cách phương Tây. Tuy nhiên, sau một thời gian, họ đã dần bị thuyết phục bởi sự nhiệt thành và tâm huyết của Magobei. Họ đã bắt tay vào học hỏi các kỹ thuật vẽ theo phong cách phương Tây và không lâu sau đó, với sự cần cù chăm chỉ và tay nghề cao, họ đã có thể lĩnh hội và thực hiện được những kỹ thuật tinh xảo này.
Các sản phẩm gốm sứ với họa tiết theo phong cách phương Tây ngay sau đó đã bán rất chạy và công ty "Anh em nhà Morimura" liên tiếp nhận được các đơn đặt hàng từ nước ngoài.
 

Bình hoa trang trí họa tiết hoa hồng năm 1911

Bộ sưu tập kiệt tác "Khu vườn của Nữ hoàng"

Old Noritake: Bên cạnh đó, khi quá trình thay đổi các họa tiết sang phong cách phương Tây ngày càng phát triển, việc vẽ lại các họa tiết theo thiết kế có sẵn trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Cho tới thời điểm đó, các nghệ nhân vẫn thường vẽ lại các thiết kế do các họa sĩ Nhật Bản vẽ. Vào năm 1895, công ty "Anh em nhà Morimura" đã quyết định thành lập một bộ phận thiết kế ở New York để thiết kế các họa tiết cho các nhà thiết kế sản phẩm ở Nhật Bản. Những họa tiết tuyệt đẹp kết hợp các xu hướng thời trang và phong cách nghệ thuật mới nhất như Art Nouveau (Tân nghệ thuật) được vẽ chân thực trên các tác phẩm gốc tại xưởng sản xuất tranh độc quyền Morimura-gumi ở Nhật Bản và đã được khách hàng đón nhận nồng nhiệt.
 
Theo cách này, các sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ từ khoảng thời gian này đến cuối Thế chiến II đã được đặt tên là "Old Noritake", và hiện vẫn được các nhà sưu tập tâm huyết sưu tầm và nâng niu cho đến tận bây giờ.
 
Sự nhiệt thành và tận tâm trong quá trình học hỏi các kỹ thuật, có thể coi là một truyền thống của Noritake, đã bắt đầu từ khoảng thời gian này. Và năng lực thẩm mỹ cùng công nghệ và kỹ năng cao, có thể coi là di sản của Noritake, vẫn được những người thợ thủ công hiện đại kế thừa cho tới ngày nay. Năng lực biểu cảm tuyệt vời của những nghệ nhân này cũng có thể được thấy rất rõ trong “Bộ sưu tập kiệt tác: Khu vườn của nữ hoàng”, xứng đáng được gọi là tác phẩm đỉnh cao nhất của Noritake.