CHƯƠNG IV

Thành lập Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản

Sự ra đời của thương hiệu Noritake

Chuyến thăm quan du lịch châu Âu vào năm 1903 (từ trái qua: Magobei Okura, Yasushi Murai, Kazuchika Okura, Kotaro Asukai)

Thành lập công ty gốm sứ
Quá trình nghiên cứu về sứ trắng là một công việc vô cùng khó khăn. Năm 1902, anh em nhà Rosenfeld (một doanh nghiệp chuyên buôn bán hàng hóa tổng hợp và gốm sứ của Anh) đã đến Nhật Bản trong trạng thái bế tắc sau rất nhiều nỗ lực cải tiến nguyên liệu thô và pha chế men. Trước đó, cha của họ đã từng rất quan tâm đến họa tiết "bức tranh vàng" được vẽ trên các sản phẩm mà ông nhìn thấy tại công ty "Anh em nhà Morimura" ở New York, và đã đến tận Nhật Bản để nghiên cứu kỹ thuật này.
Magobei đã tiếp đón hai anh em nhà Rosenfeld một cách nồng nhiệt và giải thích cặn kẽ cho họ về kỹ thuật “sơn son thếp vàng”. Khi đó, anh em nhà Rosenfeld nhận thấy rằng chính Magobei và các đồng nghiệp của ông cũng đang gặp khó khăn trong việc cải tiến chất liệu sứ trắng, và họ đã đưa ra lời khuyên cho Magobei về việc cần nghiên cứu xây dựng một xưởng sản xuất đồ gốm sứ của riêng mình.
Theo lời mời của anh em nhà Rosenfeld, Magobei đã đến châu Âu vào năm 1903 cùng với Kotaro Asukai, người phụ trách phát triển men sứ. Murai đến từ New York và Kazuchika Okura, con trai của Magobei cũng tham gia cùng chuyến đi và cả nhóm đã tham quan nhà máy gốm sứ Victoria của Rosenfeld ở Áo để tìm hiểu về các phương pháp nung. Tiếp đó, tại Đức, họ đến thăm Viện Nghiên cứu Hóa học Công nghiệp Đất sét ở Béc-lin và yêu cầu được nghiên cứu về công thức của các nguyên liệu thô khác nhau từ Nhật Bản. Nhờ đó, họ đã biết được rằng sử dụng đá gốm Amakusa có hiệu quả trong việc sản xuất sứ trắng. Điều này đã tạo cho họ một động lực lớn, và cuối cùng họ đã bắt tay vào việc thành lập một công ty gốm sứ để sản xuất toàn bộ đồ sứ trắng.

Chuyến thăm quan du lịch châu Âu vào năm 1903 (từ trái qua: Magobei Okura, Yasushi Murai, Kazuchika Okura, Kotaro Asukai)

Phiến đá có in lời tuyên thệ thành lập

Thành lập Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản
Giữa lúc công ty “Morimura-gumi” đang phải trải qua nhiều khó khăn thử thách thì năm 1899, Yutaka đột ngột qua đời vì bệnh nặng khi mới 46 tuổi. Công ty Morimuga-gumi đã mất đi một trụ cột lớn, nhưng mọi người vẫn quyết định tiếp tục đương đầu với khó khăn để vượt qua thử thách này. Đó chính là thử thách của một dự án kinh doanh lớn: xây dựng nhà máy.

Lễ khởi công cho nhà máy (Ichizaemon Morimura đang cầm một phiến đá mang "lời tuyên thệ thành lập")

Ngày 1 tháng 1 năm 1904, Ichizaemon và các cộng sự của mình chính thức thành lập Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản (hiện nay là Công ty TNHH Noritake) với trụ sở đặt tại ngôi làng cổ Noritake, quận Aichi, thành phố Nagoya, tỉnh Aichi. Sau này, địa danh Noritake đã trở thành nguồn gốc cho tên gọi thương hiệu "Noritake".

Lễ khởi công cho nhà máy (Ichizaemon Morimura đang cầm một phiến đá mang "lời tuyên thệ thành lập")

SEDAN - Bộ đồ bàn ăn đầu tiên mang thương hiệu Nhật Bản vào năm 1914

Bộ đồ bàn ăn đầu tiên mang thương hiệu Nhật Bản
Mặc dù Ichizaemon đã sản xuất thành công sứ trắng nhờ học hỏi các phương pháp nung và nung hợp chất thông qua chuyến tham quan Châu Âu vào năm 1903, ông đã phải đương đầu với rất nhiều các thử thách khác sau khi thành lập Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản. Một trong các thử thách đó chính là việc tạo ra chiếc đĩa đồng nhất cho bộ đồ bàn ăn.
Ở các nước phương Tây, người ta thường dùng đĩa ăn cho tất cả các bữa ăn và hầu hết chúng được bán dưới dạng bộ đồ ăn. Các sản phẩm bộ đồ ăn cần phải có độ "đồng nhất" nghiêm ngặt, cũng chính là nét riêng biệt của các sản phẩm bộ đồ bàn ăn. Chỉ những sai lệch nhỏ cũng có thể bị phát hiện khi xếp chồng các đĩa có hình dạng giống nhau. Điều này đã trở thành một vấn đề lớn cho quá trình sản xuất bộ đồ bàn ăn phương Tây bởi đây là nét khác biệt cơ bản so với bộ đồ bàn ăn Nhật Bản. Phải mất khoảng 10 năm kể từ khi xây dựng nhà máy để Noritake có thể khắc phục những vấn đề này, và vào năm 1913, cuối cùng chiếc đĩa ăn 25cm màu trắng tinh khiết cũng đã được hoàn thành, 20 năm kể từ khi Ichizaemon được "Higgins & Tizer" tư vấn và bắt đầu khát vọng chế tạo sứ trắng.
Bộ đồ bàn ăn đầu tiên mang thương hiệu Nhật Bản, được hoàn thành sau rất nhiều những khó khăn, đã được đặt tên là SEDAN và bắt đầu được xuất khẩu vào năm 1914. Các đơn đặt hàng lần lượt được gửi tới và mặc dù trong năm đầu tiên chỉ có 20 bộ được đặt, khoảng 40.000 bộ đã được xuất xưởng sau đó 4 năm. Kể từ đó, bộ đồ bàn ăn dần trở thành sản phẩm chính của Noritake, và đã mang lại một bước nhảy vọt cho danh tiếng của thương hiệu trên thị trường thế giới.
Sự tâm huyết được lưu truyền lại từ các nhà sáng lập
"Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản" đã được đổi tên thành "Công ty TNHH Gốm sứ Nhật Bản" vào năm 1917 và tiếp tục phát triển ổn định. Các sản phẩm của công ty đã được xuất khẩu sang rất nhiều nước trên thế giới và nhận được nhiều lời khen ngợi.
Sau này, trong quá trình xây dựng nhiều cơ sở kinh doanh bắt nguồn từ công nghệ sản xuất gốm sứ, thương hiệu "Noritake" đã được đổi tên thành "Công ty TNHH Noritake" vào năm 1981.
Những hạt giống nhỏ do Ichizaemon gieo trồng ngày nào nay đã trở thành một cây đại thụ mang tên Tập đoàn Morimura, một tập đoàn đại diện cho ngành công nghiệp gốm sứ Nhật Bản, và đã trở thành đơn vị chủ chốt hỗ trợ cho ngành sản xuất của Nhật Bản.
Năm 2001, nhân chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm thành lập, Vườn Noritake (Noritake no Mori) đã được khai trương tại chính nơi Noritake đánh dấu bước đầu tiên trong quá trình sản xuất bộ đồ bàn ăn phương Tây. Trong bảo tàng thuộc khuôn viên của Vườn Noritake, phiến đá mang lời tuyên thệ của người đồng sáng lập, được chôn dưới lớp đá nền của nhà máy khi Công ty Hợp danh Gốm sứ Nhật Bản được thành lập, hiện vẫn được lưu giữ cẩn thận và được trưng bày một cách trang trọng. Bên cạnh mục đích thành lập nhà máy, trên phiến đá vẫn còn dòng chữ "Tôi xin thề, tôi sẽ nỗ lực hết sức mình và sẽ không ngừng theo đuổi hoài bão, cố gắng phấn đấu vì lợi ích dân tộc và hạnh phúc của người dân."
Qua hơn 100 năm phát triển, thương hiệu Noritake đến nay vẫn thấm nhuần tư tưởng và tinh thần nhiệt thành của những người sáng lập, cống hiến hết mình cho cộng đồng và xã hội.