Khám phá làng gốm Nhật tuổi đời hơn 900 năm

Khám phá làng gốm Nhật tuổi đời hơn 900 năm

Nhật Bản có truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời và đa dạng, được các nghệ nhân gốm truyền từ đời này qua đời nọ từ nhiều thế kỷ. Trong đó, sáu làng gốm Nhật có tuổi đời lâu nhất phải kể đến là Shigaraki, Bizen, Tamba, Echizen, Seto và Tokoname. Cùng Noritake tìm hiểu về sáu nơi sản xuất gốm sứ lâu đời này trong bài viết sau.

1. Làng gốm Nhật cổ xưa Shigaraki

Tọa lạc tại làng Shigaraki, thành phố Koka, tỉnh Shiga, làng gốm Nhật Shigaraki được công nhận là một trong sáu lò nung gốm cổ xưa nhất Nhật Bản với tuổi đời gần 1200 năm. Theo Cục Thủ công Mỹ nghệ Nhật Bản, gốm Shigaraki được khai sinh từ giữa thời kỳ Kamakura (1185–1333), và được công nhận là nghề thủ công truyền thống của quốc gia vào năm 1976. Do hàm lượng sắt có trong đất sét chuyển hóa thành, những sản phẩm gốm này khi nung sẽ có màu hồng hay nâu đỏ vô cùng cuốn hút.

gốm nhật

Gốm Nhật Shigaraki hình Tanuki.

Tương truyền vào năm 1951, trong chuyến vi hành đến làng Shigaraki của Thiên hoàng Showa, ngài vô cùng ấn tượng với rất nhiều tượng gốm hình tanuki (loài lửng chó Nhật Bản, là biểu tượng cho điềm lành và sự thịnh vượng) đặt dọc theo các tuyến đường. Do đó, ngài đã sáng tác một bài thơ nói lên cảm xúc mạnh mẽ khi thấy những chú tanuki bằng gốm này, từ đó chúng trở nên nổi tiếng trên toàn quốc, đồng thời trở thành biểu tượng của làng gốm Nhật Shigaraki.

2. Hỏa biến đầy ấn tượng với làng gốm Nhật Bizen

Cũng được khai sinh từ thời kỳ Kamakura, thế nhưng không giống như gốm Shigaraki, làng gốm Nhật Bizen làm ra những sản phẩm không hề tráng men mà kết hợp lửa trong lò nung, tro của gỗ thông và củi cháy bám vào bề mặt gốm, tạo ra những hoa văn độc đáo ngẫu nhiên. Đây là một phong cách nung gốm vô cùng đặc trưng, tạo nên vẻ đẹp dịu dàng và thanh lịch của riêng dòng Bizen, được gọi là “hỏa biến".

gốm nhật

Gốm Nhật Bizen.

Dòng gốm Nhật Bizen bắt đầu với những vật dụng phục vụ sinh hoạt hằng ngày như chén, dĩa, cốc uống nước,... từ thời kỳ Heian (794 – 1192), sản xuất tại thành phố Bizen, tỉnh Okayama. Trải qua hơn 1000 năm, kỹ thuật nung gốm Bizen vẫn làm nức lòng giới mộ điệu bởi kết cấu đất sét rõ rệt khi người sử dụng trực tiếp cảm nhận bề mặt sản phẩm cùng màu sắc tuy giản dị nhưng độc nhất, không cái nào giống cái nào bởi những biến đổi tự nhiên trong lò nung mà người thợ không thể lường trước được.

3. Tamba - Làng gốm Nhật duy nhất sử dụng bàn xoay trái

Xuất hiện từ cuối thời kỳ Heian đến đầu thời Kamakura (khoảng 1094 – 1221), dòng gốm Nhật Tamba cũng khoác lên mình màu nâu đỏ tương tự với dòng Shigaraki và Bizen, có điểm xuyết thêm sắc xanh rêu mát lành bằng lớp men tráng bên ngoài.

gốm nhật

Làng gốm Nhật Tamba.

gốm nhật

Bàn xoay dành cho tay trái độc đáo.

Dòng gốm Tamba được nung trong lò anagama (tạm dịch: lò nung lỗ) - một kỹ thuật gốm được du nhập đến Nhật Bản vào thế kỷ V từ Trung Quốc và Hàn Quốc - bao gồm buồng đốt ở một đầu và ống khói ở đầu bên kia. Ngoài lớp men xanh mát mẻ bên ngoài, gốm Tamba còn nổi tiếng bởi việc tạo hình bằng bàn xoay trái, trong khi hầu hết các dòng gốm khác đều sử dụng bàn xoay bên phải. Nhờ vậy, những sản phẩm bước ra từ lò gốm Tamba đều sở hữu hình dạng độc đáo, được người tiêu dùng yêu thích cho đến tận thời điểm hiện tại.

4. Làng gốm Nhật Echizen - quê hương Tướng quân Nobunaga vĩ đại

Có nguồn gốc từ khu vực làm đồ gốm thờ cúng quanh thị trấn Echizen thuộc tỉnh Fukui, làng gốm Nhật Echizen được khai sinh từ cuối thời kỳ Heian (794-1185), nằm đối diện bờ biển Echizen và rừng cây trĩu quả dưới chân núi, đồng thời cũng là quê hương của tướng quân Oda Nobunaga - người anh hùng vĩ đại nhất lịch sử Nhật Bản. Hiện tại, hơn 200 lò nung cổ của dòng gốm này từ cuối thời kỳ Heian đến thời Kamakura, đến tận thời kỳ Muromachi và thời kỳ Edo đã được phát hiện. Những lò nung cổ với quy mô lớn này được cho rằng đã sản xuất nên các vật dụng phục vụ cho đời sống hàng ngày như bình, lọ, cối, chai rượu sake…

gốm nhật

Làng gốm Nhật Echizen.

Để tạo nên những sản phẩm gốm Echizen nức tiếng, những người thợ thủ công tài ba có kỹ thuật đặc biệt, chính là xoắn các dây đất sét lại và kéo mỏng nhiều lần bằng lưỡi dao/kiếm tùy theo hình dáng vật dụng họ muốn tạo thành. Cũng nhờ lợi thế địa lý - gần cảng Mikuni, cho nên dòng gốm Echizen không chỉ được vận chuyển bằng đường bộ, mà còn được truyền đi đến tận Hokkaido hay Shimane tuyết phủ bằng đường thủy. Do đó, vẻ đẹp mộc mạc mà tinh tế của dòng gốm Nhật Echizen đã được lan tỏa và yêu thích trên khắp nước Nhật.

5. Men đen độc nhất vô nhị - làng gốm Nhật Seto

So với những làng gốm trên, làng gốm Nhật Seto ra đời muộn hơn một chút, đến thế kỷ IX mới được khai sinh tại thành phố Seto, tỉnh Aichi. Nguồn đất sét dồi dào và chất lượng cao hàng đầu thế giới nơi đây đã tạo ra những sản phẩm gốm với nước men bóng đẹp tựa tranh vẽ. Đặc biệt, làng Seto cũng là một trong những nơi hiếm hoi cung cấp cả đồ gốm lẫn đồ sứ tại Nhật Bản.

gốm nhật

Làng gốm Nhật Seto.

Sự phát triển của dòng gốm Seto gắn liền với thời kỳ sơ khai của nghi thức trà đạo Nhật Bản. Suốt thời kỳ Kamakura, làng gốm Seto vô cùng nổi tiếng nhờ sản xuất các bát uống trà mà các bậc quyền thế thời đó phải nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời cũng là nơi duy nhất có khả năng làm ra những chiếc bát tráng men đen. Một linh mục tên là Louis Frois viết rằng một bát trà lúc đó có giá tương đương với những viên đá quý đắt nhất ở châu Âu, trong khi dòng Seto là sản phẩm gốm sứ cực kỳ phổ biến ở Nhật Bản, giống như đồ sứ xương (bone china) thông dụng ở Anh. Nhờ đó, dòng gốm Seto trở thành điểm sáng nổi bật so với năm dòng gốm cổ xưa còn lại.

6. Ấm trà thay đổi hương vị diệu kỳ của làng gốm Nhật Tokoname

Từ thời kỳ Azuchi - Momoyama (cuối thời Chiến quốc Nhật Bản, khoảng 1573 - 1603), dòng gốm Nhật Tokoname đã sở hữu đến 3000 lò gốm và được xuất khẩu đi khắp các quốc gia trên thế giới. Tuy cũng mang màu đỏ thiên về gam gạch cam phổ biến như các dòng gốm cùng thời khác, nhưng gốm Tokoname khi dùng để thưởng trà sẽ phản ứng từ từ với nước trà tạo ra màu sắc trà nhuộm rất đặc biệt. Cũng vì lý do này, những ấm trà đỏ không tráng men mang lại cảm giác cứng cáp khi chạm vào là sản phẩm tiêu biểu cho dòng gốm độc đáo này.

gốm nhật

Làng gốm Nhật Tokoname.

Quả nhiên xứng với dang hiệu “cái nôi của ấm trà Nhật Bản", những chiếc ấm trà nhỏ làm bằng tay của dòng Tokoname đều là những tác phẩm nghệ thuật có cá tính, phản ánh tâm hồn của người nghệ nhân đã làm ra nó và mỗi chiếc đều sở hữu vẻ đẹp riêng biệt và độc nhất. 

Họ thường pha trộn các loại nguyên liệu đặc trưng của riêng họ bằng cách kết hợp một số loại đất sét từ các lò nung khác như Seto, Shigaraki và Iga để đạt được hiệu ứng thẩm mỹ và kết cấu mà họ mong muốn, tạo nên loại ấm trà có dòng nước chảy tốt, thân gốm nhẹ, cầm nắm thoải mái, trang trí đẹp mắt.

Hiện tại, các dòng gốm truyền thống của Nhật Bản vẫn đang được sản xuất theo những kĩ thuật truyền thống được lưu truyền từ xa xưa, truyền lại đến tận bây giờ, theo Hiệp hội Lịch sử Nhật Bản. Đặc biệt, sự quan tâm ngày càng tăng đối với các loại hình nghệ thuật đặc biệt này đã khiến nhiều thợ gốm mở cửa cho khách tham quan, bao gồm những du khách có thể muốn thử sức mình với việc làm gốm sứ. Khi có dịp đến Nhật Bản, các bạn hãy thử trải nghiệm và khám phá những làng gốm Nhật lâu đời này của xứ sở mặt trời mọc nhé!