Ý Nghĩa Các Món Ăn Ngày Tết Truyền Thống

Ý Nghĩa Các Món Ăn Ngày Tết Truyền Thống

Sắp đến Tết, người người nhà nhà đều tất bật sắm sửa hoa quả, bánh mứt và những bộ chén đĩa mới. Ngoài ra, những món ăn ngày Tết quen thuộc và ý nghĩa ấm cúng đằng sau mỗi món ăn này luôn là điều không thể thiếu trong ngày đầu năm. Cùng tìm hiểu Ý Nghĩa Các Món Ăn Ngày Tết Truyền Thống qua bài viết dưới dây nhé.

1. Khổ qua nhồi thịt

Đúng như tên gọi của nó, món canh khổ qua nhồi thịt mang niềm hy vọng rằng những điều khó khăn, vất vả của năm cũ sẽ qua đi để năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn, thuận lợi hơn. Đây cũng là một món ăn khá quen thuộc trong đời sống hàng ngày, thế nhưng cứ đến dịp Tết món canh khổ qua ấy lại trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.

Khổ qua nhồi thịt.

Nguyên liệu:

3 quả khổ qua
300g thịt heo xay
Nấm mèo
1 quả trứng vịt
Hành tím
Tỏi

Cách thực hiện:

Khổ qua mua về bạn rửa sạch, cắt làm đôi, dùng muỗng lấy sạch phần ruột bên trong. Để khổ qua bớt đắng, nên ngâm khổ qua trong nước lạnh 10 - 15 phút, sau đó vớt ra để ráo.

Nấm mèo ngâm nở, rửa sạch, bỏ phần chân rồi cắt nhỏ. Đối với tỏi và hành tím, bạn lột sạch vỏ, băm nhỏ. Hành ngò bỏ gốc, rửa sạch. Cắt hành lá thật nhuyễn để trang trí.

Thịt heo rửa sạch và cho vào máy xay thịt, xay nhuyễn. Trộn đều thịt với nấm mèo, hành tím, tỏi băm, 1 quả trứng vịt và các loại gia vị gồm 1 muỗng cà phê đường, 1 muỗng cà phê tiêu, 1 muỗng cà phê hạt nêm.

Để yên 10 - 15 phút cho thịt thấm đều gia vị. Lấy một lượng nhân vừa đủ, dùng muỗng cho từ từ vào ruột khổ qua, ấn nhẹ nhàng cho nhân thật chặt.

Bắc nồi lên bếp, cho 800ml nước dùng và 1 muỗng cà phê muối, khi nước sôi cho khổ qua vào và nêm thêm 2 muỗng cà phê hạt nêm. Bạn có thể gia giảm tùy khẩu vị gia đình mình.

Nấu khoảng 40 phút thì khổ qua chín mềm, tắt bếp. Bạn cho canh ra tô, rắc thêm hành ngò và mộtít tiêu.

2. Thịt kho tàu

Nếu ở miền Bắc có món thịt đông thì ở các gia đình Nam Bộ lại có món thịt kho tàu. Với hương vị đậm đà, màu sắc bắt mắt, món thịt kho tàu tượng trưng cho sự ấm cúng, sum vầy. Trong món ăn này, người miền Nam còn vận dụng linh hoạt nguyên lý hài hòa âm dương với trứng vịt tròn tượng trưng cho dương, khối thịt vuông tượng trưng cho âm. Bên cạnh đó, nhiều người tin tưởng rằng miếng thịt kho vuông vức, đầy đặn tượng trưng cho một cuộc sống ấm êm, hạnh phúc bên gia đình; trứng vịt tròn đầy cũng hàm chứa ý nghĩa một năm mới đầy đủ, ổn định, yên vui.

Thịt kho tàu.

Nguyên liệu:

Thịt ba chỉ hoặc chân giò
Trứng vịt luộc
Nước dừa
Hành, tỏi băm nhỏ
Gia vị: nước mắm, đường, hạt nêm, tiêu xay

Cách thực hiện:

Ướp thịt cùng hành băm, bột nêm, nước mắm, tiêu, dầu hào trong 20 phút cho ngấm. Bạn có thể nêm nếm theo khẩu vị gia đình nhé. Thêm một chút đường thốt nốt sẽ cho thịt kho có màu đẹp hơn.

Phi thơm hành tím, cho thịt vào đảo cho săn.

Đổ nước dừa vào đun sôi, nếu có bọt thì hớt phần bọt bỏ đi. Nước dừa và đường thốt nốt sẽ giúp thịt kho có màu đỏ nâu đẹp mắt mà không cần sử dụng thêm nước màu.

Kho nhỏ lửa cho thịt mềm nhừ, cho tiếp trứng gà vào kho thêm khoảng 10 phút nữa là được.

3. Gà luộc

Không biết từ bao giờ mà gà luộc đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Nhiều người tin rằng, gà luộc tượng trưng cho sự ấm no, an khang và mong muốn có được một năm mới đủ đầy. Do vậy, khởi đầu năm mới khi ăn gà luộc sẽ giúp gia đình bạn có một năm thuận buồm xuôi gió.

Gà luộc.

Bí quyết để luộc gà cúng ngon, không bị rách da, khi vớt ra vẫn nguyên vẹn bóng đẹp chính là Không vớt gà luộc khi nước đang sôi trên bếp vì sẽ làm gà luộc thay đổi nhiệt độ đột ngột, gà sẽ bị mất nước gây khô thịt và da gà không có độ bóng tự nhiên, bị xỉn màu, khô và nứt. Một lưu ý đặc biệt nữa là trong thời gian luộc gà, các bạn tuyệt đối không cho phần lòng gà, nhất là phần tiết gà vào luộc cùng vì sẽ làm da gà bị bám tiết, thâm đen rất mất thẩm mỹ. Để luộc gà ngon có phần da vàng đẹp mắt thì bạn sẽ cạo vỏ nghệ, giã cho giập nát, sau đó thắng lấy nước mỡ gà trộn đều với nghệ, quét hỗn hợp này lên gà sau khi luộc để tạo màu vàng óng và sự căng mượt hấp dẫn.

4. Củ kiệu ngâm

Củ kiệu ngâm là món ăn ngày Tết đặc trưng của người miền Nam, tượng trưng cho tiền bạc, sự vinh hoa, phú quý trong năm mới. Ngoài ra, theo nguyên lý ngũ hành, món thịt kho trứng có vị mặn ứng với hành Thủy, còn món củ kiệu ngâm có vị chua, ứng với hành Mộc. Ăn hai món này với nhau sẽ tạo nên sự hài hòa, không quá mặn, không quá ngấy, lại chẳng quá chua, đúng với nguyên tắc ngũ hành là Thủy và Mộc là hai nguyên tố bổ trợ nhau.

Củ kiệu ngâm.

Nguyên liệu:

1kg kiệu
400g đường
100g muối hột
1 vốc tro bếp
350ml giấm

Cách thực hiện:

Đầu tiên, kiệu sau khi được mua về thì cắt bỏ rễ và lá rồi đem đi rửa thật sạch. Lưu ý khi cắt không được cắt sâu vào phần đầu của kiệu vì như thế khi ngâm kiệu sẽ bị úng nước rất nhanh hỏng.

Lấy một ít tro bếp hòa vào nước rồi thả kiệu vào ngâm hết đêm (có thể dùng muối để thay tro). Thường thì sẽ ngâm trong khoảng 10 - 12 tiếng hoặc để qua đêm.

Vớt kiệu ra sau khi đã được ngâm rồi đem đi phơi nắng.

Kiệu sau khi được phơi nắng đủ thời gian thì lấy kiệu đi rửa qua với giấm trắng, để khô.

Phơi xong thì bạn cho kiệu vào một chiếc hộp sạch, cứ làm lần lượt một lớp kiệu sẽ đổ một lớp đường lên trên, làm như vậy cho đến khi hết nguyên liệu thì thôi.

Khoảng 1 - 2 ngày sau khi đường đã tan ra hết thì dùng vật cứng ép chặt kiệu xuống, để khoảng 2 tuần là có để đem ra dùng được rồi. Bạn nên nhớ để kiệu ở những nơi thoáng mát tránh ánh nắng mặt trời.

5. Bánh chưng bánh tét

Bánh chưng bánh tét đã trở thành món ăn không thể thiếu trong mỗi dịp tết đến xuân về. Với hình dạng vuông vức tượng trưng cho đất, là đứa con của đất Việt đại ngàn, bánh chưng bánh tét mang mùi vị dẻo thơm, hấp dẫn. Bánh được làm từ những nguyên liệu đơn giản như gạo nếp, thịt lợn, đậu xanh mang tinh hoa đất Việt. Là đứa con tinh thần của dân tộc, bánh chưng bánh tét tượng trưng cho lòng biết ơn, niềm thành kính hướng về cội nguồn, tổ tiên. Thêm vào ý nghĩa các món ăn trong ngày tết, bánh chưng bánh tét còn là sợi dây liên kết tình cảm gia đình, trao cơ hội để các thành viên bày tỏ tâm tư, cùng nhau canh chừng nồi bánh đang sôi sùng sục.

Bánh chưng bánh tét.

Nguyên liệu cho món bánh tét:

1 kg gạo nếp ngon
500g thịt ba rọi
300g đậu xanh cà vỏ
Lạt tre
Lá chuối
Lá dứa
Hành tím
Gia vị: muối, tiêu, đường, hạt nêm

Cách thực hiện:

Trước tiên, xay nhuyễn lá dứa để lấy nước ngâm gạo nếp. Sau đó, vo gạo nếp thật sạch rồi cho vào thau nước lá dứa cùng 1 muỗng canh muối và ngâm 4 tiếng đồng hồ. Sau khoảng thời gian trên, đổ nếp ra rổ và để ráo nước.

Rửa sạch đậu xanh rồi cho vào nấu trên lửa vừa, khi thấy nước sôi thì hạ nhỏ lửa, đậy nắp lại và nấu thêm khoảng 20 phút. Đậu chín mềm thì hãy tắt bếp rồi cho ra tô, thêm 1 muỗng canh đường vào và dùng muỗng tán nhuyễn.

Sau khi mua thịt về, rửa sạch dưới vòi nước rồi ngâm thịt trong nước muối loãng khoảng 5-10 phút để khử bớt mùi tanh. Tiếp đến, vớt thịt ra rửa sạch lại, để ráo nước và thái thành từng miếng dài rộng khoảng 2cm.

Cho thịt vào thau ướp cùng ⅔ muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê tiêu, ½ muỗng canh đường, ½ muỗng cà phê hạt nêm và 3 củ hành tím băm nhuyễn. Sau đó, dùng đũa đảo đều rồi để yên khoảng 20 phút cho thịt thấm gia vị.

Chia đậu xanh tán nhuyễn thành 6 phần bằng nhau. Sau đó, trải 1 lớp màng bọc thực phẩm ra bàn, cho phần đậu xanh lên dàn đều rồi cho 1 miếng thịt đã ướp vào.

Dùng tay cuộn phần nhân này lại sao cho thịt nằm giữa đậu xanh, sau đó túm 2 đầu màng bọc lăn vài vòng để tạo thành khối trụ khoảng 12cm. Thực hiện tương tự với các phần đậu xanh và thịt còn lại.

Dùng khăn sạch lau lá chuối rồi cắt thành từng miếng có độ dài khoảng 2 gang tay. Sau đó, xếp ba là chuối xen kẽ nhau rồi cho nếp vào dàn đều theo chiều rộng của lá chuối. Xếp khối nhân đậu xanh, thịt ba chỉ vào giữa và xúc thêm nếp rải đều lên trên. Dùng tay gói 2 đầu mép lá chuối lại, miết thật chặt để nếp và nhân dính chắc vào nhau.

Tiếp đến, nhẹ nhàng gập phần góc chiếc bánh lại rồi dựng đứng lên và dùng dây thun buộc tạm vào thân bánh tét. Gấp 2 đầu bánh rồi buộc lại bằng lá chuối, sau đó dùng kéo cắt phần lá dư. Cuối cùng, lấy lạt tre buộc các đường ngang, dọc quanh bánh rồi xếp vào nồi.

Cho tất cả bánh tét vào nồi rồi luộc ở lửa nhỏ trong 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, vớt bánh ra ngâm vào nước lạnh khoảng 3 - 5 phút và để thật nguội là có thể dùng được.

Tết đã đến gần, gia đình bạn đã chuẩn bị cho một năm Giáp Thìn tràn đầy thịnh vượng và nhiều điều may mắn chưa?